Skip to main content

Mong CP moi noi it lam nhieu

MONG CHÍNH PHỦ MỚI NÓI ÍT, LÀM NHIỀU

Cuộc họp thường niên của Hội đồng thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần 44 đã kết thúc. Năm nay Hà Nội, sang năm Manila, không chỉ là nơi gặp gỡ của các thống đốc ngân hàng, bộ trưởng tài chính các quốc gia Châu Á, hội nghị còn là nơi gặp gỡ của gần 4000 đại biểu từ giới hoạch định, nghiên cứu chính sách, doanh nhân, xã hội dân sự và báo chí.

Người ta dự báo thế kỷ XXI sẽ trở thành kỷ nguyên của người Châu Á. Tương lai là của chung, vì lẽ ấy quan chức, doanh nhân, nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức của nhân dân và giới truyền thông nắm lấy mọi cơ hội để chia sẻ tầm nhìn của mình về những động lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế quốc gia và khu vực.

Xung quanh những cuộc thảo luận đa dạng ấy, ngoài những lời khen theo lệ thường, lần này nước chủ nhà Việt Nam được nghe thêm nhiều lời cảnh báo rất thẳng thắn rằng chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam có dấu hiệu thiếu ưu tiên, phát triển cho đến nay nặng về bóc lột tài nguyên thiên nhiên, rằng hiệu suất của nền kinh tế thấp và toàn bộ sức mạnh quốc gia, từ lựa chọn chính sách cho tới các nguồn lực đa dạng của người dân chưa được huy động triệt để nhằm thực hiện bằng được các mục tiêu ưu tiên của quốc gia.

Người Nhật vốn kín đáo, lại cực kỳ cận trọng lựa lời phê phán người ngoài, đã diễn đạt một cách không bóng gió rằng chúng ta đã nói nhiều, hội nghị, hội thảo nhiều, song vẫn làm được rất ít việc để tạo ra những chính sách tốt. Và vì chưa có chính sách tốt, nhất là ưu tiên phát triển các ngành kinh tế có lợi thế cạnh tranh, toàn bộ tinh thần và lực lượng của dân tộc bị phân tán. Ngân sách quốc gia đã nghèo, lại rải mành mành cho hàng trăm mũi nhọn với hàng vạn dự án đầu tư công, sự thành công của Việt Nam cho đến nay mới mạnh về bán tài nguyên thô và lao động giản đơn, gia công cho thương hiệu nước ngoài.

Mô hình kinh tế ấy hiển nhiên mang lại lợi ích cho những tập đoàn kiểm soát tài nguyên quốc gia, lớp váng ấy sẽ giàu lên nhanh chóng. Ngược lại, hàng triệu nông dân sẽ trở thành người thợ hoặc thị dân thời công nghiệp hóa, song với mức lương chỉ đủ duy trì cuộc sống họ khó thoát khỏi ngưỡng bần hàn. Lạm phát càng làm cho ranh giới giữa nghèo nàn và khốn cùng trở nên mong manh. Thiếu một tầng lớp trung lưu khá giả, một xã hội phân hóa giữa lớp trên giàu sang và phần đông dân chúng bần hàn sẽ trở nên vô cùng chênh vênh, mở cửa cho bất ổn định xã hội.

Vì lẽ ấy, nhìn thẳng và nói thật về các yếu kém của mô hình kinh tế hiện tại để tìm cách điều chỉnh hợp lý chúng cũng là cách chúng ta chuẩn bị cho một xã hội tương lai. Khó có thể có hòa bình, ổn định, một xã hội thượng tôn pháp quyền và công lỹ sẽ là xa vời nếu nhà nước không thực hiện những chính sách tốt tạo ra nhiều phúc lợi và đảm bảo những nguồn phúc lợi ấy được phân phối công bằng.

Sau Đại hội Đảng lần thứ XI, một Chính phủ mới sẽ được bổ nhiệm cho nhiệm kỳ tới, những người cầm lái cần tuyên bố những đường hướng chính sách mới giúp con thuyền quốc gia xa dần những lối mòn cũ sống nhờ vào tận khai thác tài nguyên thiên nhiên và nhân công giá rẻ. Muốn làm được điều ấy, dường như cần có một tuyên ngôn mạch lạc hơn về chính sách phát triển kinh tế quốc gia. Điều này cũng phù hợp với xu thế cần tu chỉnh chương Chế độ kinh tế trong Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp hơn với thực tế nước ta sau hơn hai thập kỷ đổi mới.



Nói ít, làm nhiều, chúng ta mong chờ thái độ của Chính phủ đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước, hiện nay đang trở thành một vấn đề không thể né tránh trong chính sách kinh tế quốc gia. Buộc các tập đoàn kinh tế nhà nước phải cạnh tranh, phải chịu kỷ luật của thị trường, phải bị giám sát chặt chẽ bởi các định chế kiểm toán, báo chí và các thiết chế đại diện cho quyền lợi nhân dân, đó hầu như là cách duy nhất nhằm sàng lọc và lựa chọn những mầm sống khỏe mạnh nhất từ khu vực kinh tế nhà nước. Vì lẽ ấy, các tập đoàn kinh tế nhà nước phải chịu một cuộc giải phẫu đau đớn, phải được tách ra khỏi quyền lực làm chính sách và hành chính của Chính phủ. Các ưu đãi về tín dụng, vốn, đất đai, các độc quyền kinh doanh của tập đoàn kinh tế nhà nước phải được các cơ quan dân cử và công luận kiểm soát. Nói cách khác, của công phải bị kiểm soát chặt chẽ, khắt khe hơn của tư nhân.



Nói ít, làm nhiều, chúng ta mong chờ thái độ của Chính phủ đối với hàng vạn dự án đầu tư công, với tiền chu cấp từ ngân sách nhà nước rải đều từ trung ương tới các địa phương. Một nhà nước mạnh không bởi nhà nước ấy ham làm nhiều việc, một Chính phủ hiệu năng phải làm ra chính sách tốt và huy động được sức mạnh của toàn dân. Vì lẽ ấy đầu tư công phải ít nhất như cần thiết, đầu tư của tư nhân phải nhiều như có thể, doanh nghiệp dân doanh phải trở thành trụ cột cho nền kinh tế quốc gia. Kinh tế nhà nước là chủ đạo phải được hiểu theo nghĩa Chính phủ phải có đủ năng lực làm nhạc trưởng cho mọi sinh hoạt kinh tế, tức là phải ban hành những chính sách có tầm nhìn dài hạn, có đủ độ tin cậy, xây dựng niềm tin của người dân vào chính phủ, và dựa vào niềm tin ấy người ta mới đưa tài sản tích góp vào cuộc kinh doanh.


Nói ít làm nhiều, chúng ta mong Chính phủ từ giã dần đam mê lấy tốc độ tăng trưởng GDP làm thước đo hầu như duy nhất cho phát triển kinh tế. Phát triển để làm gì nếu đô thị ngột ngạt và ô nhiễm, thiên nhiên bị tàn phá, nếu người thợ chỉ còn thời gian vừa đủ để ngủ giữa triền miên ca kíp. Quá sùng bái GDP, thậm chí áp dụng tràn lan chỉ số GDP cho cấp tỉnh, chúng ta đã lãng quên nhiều tiêu chí đo lường khác để giữ cho môi trường sống bền vững cho những thế hệ hôm nay và mai sau. Phát triển nối tiếp phát triển, nếu tiền cho thuê đất chiếm tới 60% ngân sách của một tỉnh, điều gì sẽ xẩy ra khi tài nguyên đất cạn kiệt dần. Không trải thảm đỏ mời gọi đầu tư bằng mọi giá, một Chính phủ điều tiết tốt phải có những chính sách cân đối các nguồn lợi từ đầu tư chí ít với các chi phí để bảo vệ môi trường thiên nhiên, các chi phí giáo dục và chuyển đổi nghề cho người nông dân chuyển thành người thợ.


Nói ít làm nhiều, chúng ta mong Chính phủ phải nói không được với bệnh thành tích và những lối suy nghĩ vun vén lợi tư trong nhiệm kỳ của mình. Từ công ty cho tới quốc gia, khi quyền lực quản trị được trao cho người điều hành, chúng ta mong có những cơ chế giám sát tốt buộc người điều hành phải hành xử vì lợi ích lâu dài, vượt xa khỏi những cám dỗ thành tích hay lợi ích tư trong nhiệm kỳ được bổ nhiệm. Thảo luận điều chỉnh mô hình kinh tế cũng chính là suy nghĩ về những cách thức góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình của những người lãnh đạo quốc gia. Nói một cách dễ hiểu, người lãnh đạo phải lý giải được vì sao họ lựa chọn những chính sách nhất định, chúng có lợi cho ai, và nếu phát sinh chi phí, ai sẽ là người gánh chịu những tổn thất nếu có.


Thương trường như chiến trận, người ta bảo nhiều dân tộc láng giềng chưa chắc đã giỏi giang, khéo léo gì hơn người Việt Nam, song có chăng trong phát triển kinh tế họ may mắn hơn dân tộc chúng ta bởi có được những chính sách tốt. Nói ít, làm nhiều, tướng tài cốt ở dụng mưu, những mong nhà nước mạnh dần trở thành nhạc trưởng định ra chính sách cho cuộc ganh đua của hàng triệu sáng kiến dân doanh.

Comments

Popular posts from this blog

Ngổn ngang Công lý – Phần 1: Từ Yorktown tới Washington

  Phạm Duy Nghĩa 1.     Những dòng này dành cho ai: Bất công xảy ra khắp nơi, công lý thì khó khăn lắm mới đạt được. Mỗi ngày, nếu góp thêm tử tế, công bằng, và bớt dần bất công, thì thật quý. Công lý được giữ cho ngay ngắn, từng chút một, chung tay bởi tất cả mọi người. Đặng Hoàng Giang viết một cuốn sách có tựa đề “”Bức xúc không làm ta vô can””, quả là thế, bất công xảy ra do chúng ta né tránh, cam chịu, hoặc đồng lõa. Cùng góp sức chúng ta mới tạo ra và duy trì được lẽ công bằng ở đời. Những dòng này vì thế dành cho những ai muốn sống chậm một chút, dừng lại, đứng nhìn, quan sát, và tìm hiểu: Vì sao bất công đã xảy ra, và Vì sao công lý vẫn là một giấc mơ xa vời với rất nhiều dân tộc, trong đó có chúng ta. Thời đại này mạng xã hội, dữ liệu, tin tức, trí tuệ nhân tạo… đang thổi bay con người, đặt câu hỏi đúng đã là một nửa thành công. 2.     Cấu trúc của phần viết: Phần viết này được cấu trúc hồn nhiên như những mảng kiến thức vụn vặt mà tôi lượm được. Tôi dự kiến sẽ bắt đầu bằn

Bên thứ ba trong Thủ tục trọng tài: Một góc nhìn từ thực tiễn thực thi pháp luật

Đề dẫn : Theo Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, vào thời điểm hiện nay nước ta đã có 48 tổ chức trọng tài được thành lập, với hơn 600 trọng tài viên, mỗi năm tham gia giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp thương mại [1] . Một dịch vụ trọng tài đã hình thành. Càng phát triển, những đặc thù của dịch vụ này càng lộ rõ hơn, trong đó có việc xử lý lợi ích của bên thứ ba. Rất khác với tố tụng toà án, về nguyên tắc, trọng tài là thủ tục không công khai, sự tham gia của bên thứ ba là ngoại lệ. Không thể học theo quy định của Tố tụng dân sự để đưa bên thứ ba vào Tố tụng trọng tài. Bài viết dưới đây thảo luận về việc xem xét và đảm bảo lợi ích của Bên thứ ba trong Thủ tục trọng tài. Sau khi minh họa một số tình huống trong đó các bên tranh chấp hoặc Hội đồng trọng tài có thể cần lưu ý tới lợi ích của Bên thứ ba. Mục tiêu của Tố tụng trọng tài là góp phần giải quyết các tranh chấp một cách công bằng, thúc đẩy các bên tự thực thi nghĩa vụ, tránh làm lan rộng thêm kiện tụng. Từ những cân nhắc đó, bài v

Enjoy the Voyage: Behind the Scenes of Tribunal Deliberations

Arbitration can be very simple, but it can also be a voyage to nowhere in the middle of the sea. From the departure to destination, the Tribunal as collective is expected to steer the board. It shall make decisions, either procedural or on merits, by deliberation. But how tribunal deliberations work, particularly in cross-cultural arbitration? That is certainly a mysterious black-box, because tribunal deliberations are case specific (it depends on the nature of the disputes), tribunal specific (it depends on the composition of the tribunal, the background and profile, and mentality of the presiding arbitrator and its fellows), and the like. But there are some best practice for efficient deliberations: Not consensus, but collegiality is important: each arbitrator shall actively be involved. Not focusing on the destination, enjoying the voyage: the facts, the issues, the rational behind the disputes are important. Not merely the award, an efficient case management, fairness and due