GIỚI THIỆU SÁCH SẮP RA: NHỮNG NGHỊCH LÝ CỦA THỜI GIAN
Tôi đọc cuốn sách sắp ra này của TS Nguyễn Sĩ Dũng đúng vào dịp kỷ niệm 36 năm ngày chiến tranh chấm dứt. Ba con giáp, nửa đời người, những dòng đời xô dạt, nơi đô hội của đất Phương Nam náo nhiệt mỗi ngày bỗng trở nên vắng lặng. Trước Dinh Độc lập thuở nào nay rợp mát bóng cây xanh và tràn ngập tiếng cười. Một không gian thanh bình, yên tĩnh, đôi khi hiếm hoi, để đọc, suy nghĩ, để lắng nghe hơi thở một thời mình đang sống.
Người ta bảo TS Nguyễn Sĩ Dũng là người hay nghĩ. Chị hàng rong, anh xe ôm, thiệp hồng đám cưới, “xuất khẩu” cô dâu, cái chúng ta ăn, “cây gì, con gì” cho tới rổ rá thời lạm phát, từ những lo toan rất đỗi giản dị đời thường, dưới ngòi bút sắc sảo của ông trở thành những trăn trở của thời đại: đất nước ta phát triển với giá nào, cho ai và vì ai? Quay trở lại với kinh tế thị trường, từng bước bảo hộ sở hữu tư nhân, cuộc ganh đua của hàng triệu sáng kiến cá nhân dưới sức ép của kỷ luật thị trường đã trở thành một động lực vĩ đại thúc đẩy một xã hội đầy quán tính đóng kín ngày càng tự tin hơn vươn xa trong biển lớn của thời đại @ và hội nhập toàn cầu.
Chỉ có điều, không vui vẻ như thi đua thời bao cấp, cuộc cạnh tranh ngày nay khốc liệt, đòi hỏi tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ, và tất nhiên cả vô số mánh lới của những người tham gia. Những người tham gia ấy trước hết là thế hệ trẻ tuổi đang tìm đường đi cho sự nghiệp của riêng mình, những thế hệ ly nông để trở thành người thợ thời công nghiệp, những doanh nghiệp và nhà lãnh đạo lèo lái con thuyền doanh nghiệp và quốc gia tới những bờ bến mới trong một thời đại đầy bất trắc, đổi thay nhanh.
Đọc cuốn sách với những bài viết thật ngắn, khó có thể ngắn hơn được nữa, súc tích, sắc sảo song không thiếu hóm hỉnh và trào lộng này, bạn có được cả một tầm nhìn về thời đại chuyển đổi trên đất nước chúng ta. Loay hoay tìm về bản sắc, chưa thể dứt tình với thói cũ, chúng ta dè dặt đón duyên mới, những thể chế và thói quen mới giúp giải phóng những nguồn nguyên khí và sức mạnh cho dân tộc thăng hoa.
“Chính trị cốt ở ít việc”, từ cây đời sinh động, với bút pháp nhẹ nhàng, tác giả đã dẫn bạn đọc tới trách nhiệm phân tích và lựa chọn chính sách của những người lãnh đạo trong thời đại ngày nay. Ẩn sau những bài báo không hiếm hóm hỉnh ấy là một thông điểm vô cùng mạch lạc về ảnh hưởng đa dạng từ mỗi chính sách của chính quyền. Thời buổi khó khăn, trong bản nhạc đời với ngàn vạn âm thanh, ai sẽ nghe thấy tiếng kêu của những người yếu thế. Bởi vậy, một nhà nước mạnh không nên là một nhà nước ôm đồm làm quá nhiều việc, chính sách quốc gia cốt ở khuyến khích phân chia phúc lợi một cách công bằng. Một quy trình xây dựng chính sách và làm luật minh bạch, rạch ròi giữa những công đoạn của chính phủ và cơ quan dân cử là lời giải tránh bi kịch lấy của người nghèo bù cho nhà giàu.
Gấp lại những trang cuối của cuốn sách cũng là lúc bạn bắt đầu một cuộc tìm kiếm mới, phải định nghĩa lại cho chính mình những điều tưởng chừng đã thuộc lòng. Ngàn vạn viên gạch mới ấy xây dựng nên cuộc sống trung thực, người với người ứng xử bằng niềm tin trong một trật tự xã hội thượng tôn luật pháp. Giữa bận bịu ngày thường, cuốn sách đến với bạn như một ốc đảo, như một cuộc tâm tình, ẩn sau những dòng chữ lửa.