Skip to main content

Hanh trang vuon toi quoc gia cong nghiep


HÀNH TRANG VƯƠN TỚI MỘT QUỐC GIA CÔNG NGHIỆP


Bước vào năm 2011, người nước ta còn đúng một thập kỷ để thực hiện mơ ước trở thành một quốc gia công nghiệp. Cảng biển, khu công nghiệp, tàu cao tốc, mọi văn minh vật chất có thể dành dụm hoặc dựa vào tiền vay mà dựng lên nhanh chóng. Song một quốc gia công nghiệp còn cần tới phong cách ứng xử công nghiệp. Nhà nước, người dân, mọi phần tử trong xã hội phải tin được vào những chuẩn mực ứng xử bền vững. Năm mới cũng nên là một dịp để chiêm nghiệm lại hành trang của người dân nước ta trước khi ngấp nghé trở thành công dân của một quốc gia công nghiệp.

Kỷ luật thị trường và tập đoàn

Từ hai chục năm nay chúng ta lại yêu kinh tế thị trường. Ồn ào giữa chợ, rượt đuổi theo lợi nhuận, người thắng kẻ thua, nửa triệu doanh nghiệp đủ loại ganh đua nhau giành lấy trái tim khách hàng. Nhớ lại một thời bao cấp chưa xa, với bộ máy kế hoạch Nhà nước đã nghĩ thay người sản xuất và nghĩ thay cả cho người tiêu dùng. Thật vĩ đại, kỷ luật thị trường đã thay đổi đáng kể nếp nghĩ trên đất nước chúng ta.

Thay vì cai trị, để phục vụ nhân dân được tốt hơn, từ chỗ quản lý hàng vạn xí nghiệp quốc doanh nay nhà nước đã thu hẹp phạm vi kinh tế quốc doanh, chỉ còn giữ lại 12 tập đoàn và khoảng 1500 doanh nghiệp, hết thảy được ép phải chơi cùng một luật chung với dân doanh. Đồng thời bộ máy công vụ đang tách dần ra khỏi khu vực hành chính sự nghiệp, công chức tách dần khỏi viên chức. Một nhà nước ôm đồm đang làm cuộc tự lột xác không hề dễ dàng để trở thành một nhà nước nhỏ hơn, nhưng năng động hơn, hiệu quả hơn, phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Chỉ có điều, số lượng tuy giảm, song 12 tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn được ưu ái vốn và nguồn tài nguyên, riêng vốn cho Vinashin đã lên tới 113 nghìn tỷ đồng, tức là gấp trên 100 lần ngân sách của một tỉnh quy mô nhỏ như Đồng Tháp. Năm 2010, người ta không thể quên Vinashin, một tập đoàn thua lỗ, phơi bày ra những lỗ hổng đáng báo động về trách nhiệm quản lý vốn nhà nước đầu tư cho các công ty quốc doanh. Chỉ có được những nguồn tin thứ cấp, một khối tài sản lớn của quốc gia được giao cho những thành viên hội động quản trị công ty mà thiếu vắng những thiết chế giám sát hiệu quả.

Vinashin không chỉ là câu chuyện trả 86 nghìn tỷ đồng nợ khó đòi. Lấy tiền dân đầu tư vào các tập đoàn, tiền ấy không phải của nhà nước, càng không phải của cá nhân các quan chức. Giao tất cả tài nguyên quốc gia cho nhà nước quản lý, ông chủ nhân dân phải làm gì để giám sát chính quyền. Vinashin thua lỗ, Quốc hội, Chính phủ và các bộ đều có phần lỗi, song chưa có cơ sở để quy rõ hơn trách nhiệm thuộc về ai, một nhu cầu sắp xếp lại nền quản trị quốc gia đã trở nên bức bách.

Sở hữu tư nhân và công bằng xã hội

Hai thập kỷ tái khởi động nền kinh tế thị trường đã làm sống lại sở hữu tư nhân. Những ông chủ đang thay khuôn mặt mới. Bùn đỏ từ khai khoáng xuất hiện ở Cao Bằng, rừng biên giới ở Lạng Sơn được cho người nước ngoài thuê, đất Ba Vì lên cơn sốt, bờ sông Sài Gòn tới những bãi biển miền Trung bị khoanh thành của riêng, tránh tư nhân hóa song trớ trêu thay chúng ta lại mở cửa cho tài nguyên quốc gia đôi khi được khai thác thiếu kiểm soát vì lợi ích tư nhân.

Khi kinh tế tư nhân đã chiếm tới 48% GDP, đã tới lúc phải nhìn nhận lại vai trò của sở hữu công cộng và sở hữu tập thể của các hợp tác xã. Nếu tiếp tục đề cao công hữu, do khả năng quản lý kém, của công có nguy cơ ngấm ngầm biến thành tư. Tích lũy tiền bạc lâu ngày sẽ trở thành sức mạnh, tới khi cái võ cũ bị đục rỗng, một trật tự của cường lực và những đặc quyền mới sẽ lộ diện.

Một quốc gia công nghiệp phải là một chế độ có nền công lý đảm bảo tự do của mọi người dân, tức là phải có một chế độ pháp quyền. Luật pháp dày đặc, song nếu chúng chỉ nhằm thay thế danh tước những ông chủ một cách tân thời, thì nguồn lực trong quốc gia vẫn bị kiểm soát bởi những nhóm lợi ích đặc quyền. Khi ấy lợi ích tư nhân thắng thế, hệ thống nhà nước và luật pháp trở thành pháo đài chiến lũy bảo vệ người có quyền và thế lực, ngăn cản quyền tiệm cận nguồn lực và thi thố tài năng của bất kỳ ai. Nếu điều ấy xảy ra, cũng tựa như vô số nước đang phát triển khác, chúng ta có nhà máy lọc dầu và có thể có đường sắt cao tốc, song chưa có nền tảng ứng xử công bằng của một xã hội công nghiệp.

Xã hội công dân

Từ năm 2001 Hiến pháp nước ta được sửa đổi, bổ sung thêm một quy định rằng Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân. Luật pháp đã được ban hành nhiều, song vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hướng tới một xã hội thượng tôn pháp luật. Kinh tế thị trường không còn nghi ngờ gì nữa đã cởi trói cho sở hữu tư nhân. Song càng khuyến khích kinh tế tư nhân, càng phải có một nhà nước mạnh để phân bổ phúc lợi và sự thịnh vượng trong quốc gia một cách công bằng.

Nhà nước thường chỉ mạnh khi người dân ý thức được quyền và trách nhiệm công dân, tìm cách kiểm soát, giám sát chính quyền. Năm 2010 đã xuất hiện những vụ kiện Bộ Công thương vì thông tư của Bộ có dấu hiệu trái luật, gây thiệt hại tiền tỷ cho doanh nghiệp hoặc người dân khởi kiện chính quyền địa phương do “lô cốt” cản trở việc kinh doanh của họ. Cứ đà ấy, “quy hoạch treo, hố tử thần” một ngày kia có thể trở thành những vụ kiện khi người dân học được cách chất vấn và truy tìm trách nhiệm của chính quyền.

Từ văn hóa cho đến pháp luật

Dùng văn để giáo hóa, dùng văn để trị, nôm na hành xử văn hóa tức là tập ứng xử như một con người xã hội. So với cách hiểu ấy, hai chữ văn hóa ngày nay đã thay đổi nhiều. Như một ngành thực hiện quản lý nhà nước, năm 2010 diễn ra vô số sự kiện văn hóa và phi văn hóa. Sự kiện lớn 1000 năm Thăng Long đã qua. Tự hào vì thủ đô cũng như vô số các đô thị mới phát triển nhanh, ngày càng mới, song để đô thị đẹp hơn, xanh hơn, sạch hơn, biết nâng niu những giá trị cổ truyền, để mỗi con người sống trên đất đô thị ứng xử với nhau văn hóa hơn, hình như còn ngổn ngang những việc phải làm.

Năm 2010 cũng là năm mà người sành điệu tân thời được cung cấp vô số mẩu phim phản cảm trên Internet, từ cô bảo mẫu dội nước vào mặt, tắm cho trẻ bằng chân, bé Hào Anh bị hành hạ, cho tới nhan nhản bạo lực nơi học đường. Văn hóa tức là cách người ta hành xử, nhân nào quả đấy, có biết bao nhiêu căn cớ để lý giải vì sao con người ta hành xử thì cũng có bấy nhiêu cội nguồn nhào nặn ra văn hóa của con người nước ta. Hãy giải thích vì sao dân tộc chúng ta hầu như chưa quen xếp hàng, chưa quen tuân thủ luật lệ giao thông, chưa tự giác xả rác đúng nơi quy định. Như lá cành thân rễ, từ muôn đời nay đời sống tư tưởng, tâm linh, tôn giáo, thói quen, tục lệ và pháp luật, hết thảy những quy phạm xã hội đa dạng ấy đã tựa như một cái cây vững chãi tạo nên văn hóa của người dân nước ta.

Muốn đạt tới cách ứng xử văn minh trong một quốc gia công nghiệp, không thể thụ động chờ tập quán người dân nước ta tự diễn biến, tự đổi thay. Từ truyền thống văn trị, phải cần tới một trật tự pháp trị rõ ràng, lấy những chuẩn mực pháp luật nghiêm minh làm thước đo thay đổi hành vi con người. Hướng tới một quốc gia công nghiệp, nếu định hướng hành vi ứng xử văn hóa trở nên khó khăn và thiếu cụ thể, phải định hướng hành vi con người theo những chuẩn mực cụ thể của pháp luật, dần dà con người văn hóa sẽ được định hình dần theo.

Hai thập kỷ đổi mới theo kinh tế thị trường cũng là hai thập kỷ văn bản luật trên giấy tăng nhanh theo thời gian. Song từ luật trên giấy cho đến luật ngoài đời còn quá nhiều vênh lệch. Không thể áp dụng những tiêu chuẩn kép, luật pháp phải công bằng, áp dụng công khai cho mọi đối tượng, không phân biệt lý lịch, thành phần xuất thân. Khi pháp trị được thiết lập, qua năm tháng những tín hiệu này sẽ tác động ngược trở lại hành vi ứng xử có văn hóa của người dân.

Một thập kỷ mới đang tới. Trở thành một quốc gia công nghiệp, ngoài những chỉ số kinh tế lớn lao, cũng có nghĩa thật giản dị rằng người dân nước ta phải biết dừng trước đèn đỏ và nhường nhịn khi tham gia giao thông. Từ thái độ ứng xử của từng người dân tới người có quyền cao chức trọng, trong một quốc gia công nghiệp quan chức phải từ chức khi mất tín nhiệm của cử tri Cũng như vậy, nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người dân về mọi thiệt hại gây nên bởi hành vi quản lý yếu kém của mình. Để có được một quốc gia như vậy, ngoài kinh tế thị trường, trong hành trang vươn tới văn minh, dân tộc chúng ta rất cần một chế độ thượng tôn pháp luật và nhiều hơn nữa tinh thần công dân.

Comments

Popular posts from this blog

Nhàn đàm về thể chế

  1.            Dẫn nhập : Đầu năm 1845 khi phê bình triết gia Feuerbach, Karl Marx, lúc ấy còn khá trẻ, đã viết câu trên đây, câu sau này được dịch sang tiếng Anh và khắc trên mộ của ngài “ Die Philosophen haben die Welt nur verschieden  interpretirt , es kömmt drauf an sie zu  verändern - các triết gia chỉ tìm cách giải thích thế giới khác nhau, cái chính là phải tìm cách thay đổi thế giới ấy”. Gần 180 năm sau, Acemoglu & đồng sự, nhận được giải Nobel năm 2024, vì những đóng góp giải thích các nền văn minh thịnh hay suy tàn là do thể chế. Điều ấy đúng, hoặc đúng một phần. Nhân dịp này, cựu học viên Fulbright mời chúng tôi mạn đàm về thể chế. “Kỷ nguyên vươn mình”, nếu các bạn thích dùng chữ ấy, mong sẽ là tỉnh thức, bắt đầu với hành động. Nói đã đủ nhiều, đến lúc phải làm, làm nhiều hơn. Ở đất nước chúng ta, vinh quang thuộc về những con người hành động, công khai hay thầm lặng, ngày mỗi ngày bền bỉ làm cho thể chế n...

Ngổn ngang Công lý – Phần 1: Từ Yorktown tới Washington

  Phạm Duy Nghĩa 1.     Những dòng này dành cho ai: Bất công xảy ra khắp nơi, công lý thì khó khăn lắm mới đạt được. Mỗi ngày, nếu góp thêm tử tế, công bằng, và bớt dần bất công, thì thật quý. Công lý được giữ cho ngay ngắn, từng chút một, chung tay bởi tất cả mọi người. Đặng Hoàng Giang viết một cuốn sách có tựa đề “”Bức xúc không làm ta vô can””, quả là thế, bất công xảy ra do chúng ta né tránh, cam chịu, hoặc đồng lõa. Cùng góp sức chúng ta mới tạo ra và duy trì được lẽ công bằng ở đời. Những dòng này vì thế dành cho những ai muốn sống chậm một chút, dừng lại, đứng nhìn, quan sát, và tìm hiểu: Vì sao bất công đã xảy ra, và Vì sao công lý vẫn là một giấc mơ xa vời với rất nhiều dân tộc, trong đó có chúng ta. Thời đại này mạng xã hội, dữ liệu, tin tức, trí tuệ nhân tạo… đang thổi bay con người, đặt câu hỏi đúng đã là một nửa thành công. 2.     Cấu trúc của phần viết: Phần viết này được cấu trúc hồn nhiên như những mảng kiến thức vụn vặt mà tôi lượ...

Học và Dạy Luật Đất đai trong các trường luật ở Việt Nam

Tặng các bạn học và dạy Luật Đất đai 1.       Dẫn đề : Nước ta đã có gần 100 cơ sở đào tạo luật (để thuận tiện, sau đây gọi chung là các trường luật). Ở bậc cử nhân, các trường luật thường giảng dạy Môn học Luật Đất đai. Nội dung giảng dạy môn học này ở các trường khá giống nhau, bám sát cấu trúc của Luật Đất đai, thường bắt đầu từ Chế độ sở hữu, Các loại đất, Quyền & Nghĩa vụ của Người sử dụng đất, cho tới Hành chính đất đai và Giải quyết tranh chấp đất đai. Trong bối cảnh Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực, nội dung đồ sộ của đạo luật này cần được nghiên cứu & giảng dạy như thế nào cho hiệu quả. Trong khuôn khổ Hội thảo tại một trường luật như Khoa Luật ĐH Mở TPHCM, sẽ là hữu ích, nếu có thể góp phần tìm hiểu đạo luật mới này, song đồng thời cũng tìm cách đổi mới cách nghiên cứu, giảng dạy pháp luật đất đai, giúp cho môn học này hấp dẫn, thiết thực hơn với người học. Phần thảo luận dưới đây góp phần vào 2 nội dung nêu trên. 2.    ...