Rạch ròi công tư
Biển rộng bao la, đó là giấc mơ ngày xưa của những người thạo văn chương. Thoát khỏi cổ chai trong truyện cổ tích, cái bóng tư hữu lan trùm lên phố phường, đồng ruộng, rừng núi và bờ biển; dưới bàn tay phù thủy của thị trường, đất nước liền một dải biến hóa thành hàng chục, hàng trăm triệu ô thửa của những ông chủ cũ và mới đang dần dần lộ diện.
Trong cơn khát sở hữu tư nhân ấy, nếu không có một chính quyền mạnh mẽ và biết cách can thiệp một cách chuyên nghiệp, những công viên, bờ biển, phong cảnh đẹp, không khí trong lành khó mà giữ mãi làm của chung.Kìa là đất rừng diện tích lớn vừa đúng bằng tỉnh Tây Ninh đã được giao cho nước ngoài kinh doanh, kìa là những bãi biển công cộng nay đã lọt thỏm trong tay các nhà kinh doanh khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng. Nếu không bảo vệ được sở hữu công cộng, ai có cơ hội cũng lăm le cơi nới biến của công thành của riêng mình.
Từ chút không gian chung nơi chung cư, tới công viên, bờ biển, chúng ta không giữ được của chung vì không dám mạnh mẽ bảo vệ của riêng tư.
Điều có vẻ nghịch lý ấy có nghĩa rằng công và tư phải được rạch ròi, sở hữu tư nhân chính đáng phải được bảo vệ một cách có hiệu quả. Nếu những đoạn bờ biển đẹp cần được xem là của sở hữu công cộng thì chính quyền phải bảo vệ quyền khai thác và hưởng dụng công cộng, ngăn cản mọi chiếm cứ mang tính tư nhân. Điều ấy có thể thực hiện được thông qua luật quy hoạch, thiết kế đường sá hoặc ấn định sử dụng công cộng, không cho phép cá nhân nào độc chiếm bờ biển thành của riêng.
Một chính quyền mạnh mẽ không run sợ trước sở hữu tư nhân và trào lưu tư nhân hóa các nguồn tài nguyên quốc gia. Điều quan trọng là quá trình tư nhân hóa ấy phải được diễn ra minh bạch, được nhân dân tham gia kiểm soát, lợi ích thu được phải được sử dụng công khai vì lợi chung. Kể cả khi đất đai, bờ biển đã được giao cho chủ tư nhân, chính quyền vẫn cần mạnh mẽ can thiệp để tài nguyên ấy được sử dụng có ích nhất.
Nhà cổ ở Hội An thuộc sở hữu tư nhân, song chủ đâu còn toàn quyền định đoạt với ngôi nhà. Phố phường sẽ trở nên trật tự nếu chính quyền kiểm soát thiết kế, xây dựng và thắt chặt trách nhiệm của chủ nhân, kiểm soát gắt gao việc sử dụng từ không gian ngầm cho tới độ cao. Quyền lực nhà nước mạnh làm cho sở hữu tư nhân, dù rất riêng tư, vẫn bị khống chế vì những lợi ích chung.
Đất đai ở Mỹ có thể thuộc sở hữu tư nhân, song chủ nhân một ngôi nhà tư ở Mỹ chưa chắc đã có nhiều sự tự do và tùy tiện cơi nới như người sử dụng đất ở VN. Càng sở hữu nhiều đất đai càng phải lũy tiến đóng nhiều thuế duy trì tài sản cho chính quyền địa phương, ai cũng mong nhiều người VN trở nên giàu, song người giàu phải có nghĩa vụ san sẻ may mắn ấy qua thuế tài sản của mình.
Khuyến khích đầu tư tư nhân, khi biến bờ biển thành của tư, chính quyền chỉ có thể làm được điều thận trọng ấy thông qua quy hoạch công khai, tổ chức đấu thầu công khai và tăng cường giám sát của nhân dân về sử dụng nguồn tài chính thu được từ quá trình tư nhân hóa ấy.
Bờ biển không phải của một nhóm người, điều ấy đúng, song đúng hơn bờ biển cần được sử dụng hiệu quả. Muốn làm được điều ấy, quy hoạch, minh định sở hữu và tăng giám sát của nhân dân đối với các nguồn tài sản công là những trọng tâm chính sách cần được quan tâm thảo luận.
Comments