Skip to main content

TẢN MẠN VỀ XỨ VÔ TÌNH

Khỏi phải nói, người xứ ta thật vô tình, thường cứ cái gì thấy tiện thì làm. Phố phường đông đúc, giữa năm ngoái chính quyền thủ đô ra quyết định bịt các ngã tư, biến Hà Nội thành một đô thị kỳ dị nhất hành tinh. Thì cũng thế, ở phương Nam, người nước ta tiện thể chữa luôn cái vỉa hè, giúp xe máy khi cần có thể vọt lên tranh phần đường của người đi bộ.
Từ nhỏ nhìn ra việc lớn, một quốc gia với hơn 80 triệu dân mà có tới 63 chính quyền cấp tỉnh với 63 chi nhánh ngân hàng nhà nước, 63 cơ quan công an, 63 đài truyền hình, những bộ máy và cách tổ chức hao hao giống nhau. Từng chiếc đũa mỏng manh dễ bị bẻ gãy, ai sẽ lo giữ mái nhà chung. Các nhà đài chia nhau tần số, phân tán tài nguyên nhưng thiếu năng lực và thiết bị. Chẳng ngạc nhiên phim Hàn, phim Trung Quốc và văn hóa nước ngoài thừa cơ đổ bộ vào nước ta, lặng lẽ và lan rộng đến mức trẻ con sinh ra có khi được đặt tên tựa như minh tinh màn bạc nước ngoài.
Chẳng nghĩ ngợi, chúng ta lặng thinh chấp nhận giá sữa, giá xe cao hơn nhiều lần so với chợ thế giới trong khi chúng ta nghèo. Ai được ưu đãi kích cầu, ai xuất khẩu mà nắm giữ hàng tỷ đôla, ai nắm giữ tài nguyên, ai hưởng lương tiền tỉ mà điều hành các doanh nghiệp quốc doanh lỗ nhiều lãi ít. Luật pháp nước ta ghi nhận rằng quốc doanh là trụ cột, rằng người lao động, người tiêu dùng yếu thế sẽ được bảo vệ. Chỉ có điều luật pháp có đâu đơn giản như công tắc điện, cứ bật lên thì sáng và tắt đi thì tối. Nếu không được kiểm soát thì tiền dân vung phí, quốc doanh nắm giữ độc quyền mà hạn chế dân doanh, lợi dành cho một nhóm ít người mà hại trải đều cho cả quốc gia. Nếu không yêu mến cạnh tranh thì chúng ta không thể tấn công độc quyền, người tiêu dùng trở thành món mồi cho các tập đoàn tư bản thừa cơ xâu xé.
Công nghiệp và đô thị hóa, nông dân mất đất cắm dùi và trở nên bơ vơ ở cái nơi một thuở đã là quê cũ của mình. Lạm phát và tăng giá, ráo mồ hôi hết tiền, công nhân chỉ còn biết đến ca kíp, ai sẽ chăm lo cho cuộc sống tinh thần và con em của họ. Con nhà giàu trốn trường Việt Nam tìm đến các trường quốc tế. Bệnh viện bình dân xưa đã chia thành hai hạng, hạng dịch vụ mát lạnh dành cho người có tiền và hạng la liệt còn lại dành cho người nghèo.
Một xứ vô tình, chúng ta tin ở chính quyền, song như người ta thường bảo chính quyền đâu có phải thánh thần, người giàu và có cơ hội thường tự lo được cho mình, chính quyền đáng ra phải lo cho người nghèo. Sốt sắng vì các dự án đầu tư, có tỉnh nào sốt sắng lo cho người dân bị giải tỏa và di dời. Người ta bảo chính quyền là của người dân, nhất là của dân nghèo, thì những người dân ấy phải tham gia và giám sát tích cực, phải khắt khe hơn với chính quyền. Từ buông xuôi vô tình vươn tới những công dân giám sát tích cực, những người dân ấy cần phải học cách tự tổ chức để nói được lên tiếng nói đa dạng của mình. Vì đâu ở nơi kia người ta xây nên lũy, nên thành; vì đâu ở những xứ vô tình ngàn vạn hạt cát, gió thổi rã rời, quyền lực nhân dân chưa được tập hợp thành sức mạnh giám sát chính quyền. Tân Xuân, những mong quê ta đừng mãi là một xứ vô tình.

Comments

Popular posts from this blog

Nhàn đàm về thể chế

  1.            Dẫn nhập : Đầu năm 1845 khi phê bình triết gia Feuerbach, Karl Marx, lúc ấy còn khá trẻ, đã viết câu trên đây, câu sau này được dịch sang tiếng Anh và khắc trên mộ của ngài “ Die Philosophen haben die Welt nur verschieden  interpretirt , es kömmt drauf an sie zu  verändern - các triết gia chỉ tìm cách giải thích thế giới khác nhau, cái chính là phải tìm cách thay đổi thế giới ấy”. Gần 180 năm sau, Acemoglu & đồng sự, nhận được giải Nobel năm 2024, vì những đóng góp giải thích các nền văn minh thịnh hay suy tàn là do thể chế. Điều ấy đúng, hoặc đúng một phần. Nhân dịp này, cựu học viên Fulbright mời chúng tôi mạn đàm về thể chế. “Kỷ nguyên vươn mình”, nếu các bạn thích dùng chữ ấy, mong sẽ là tỉnh thức, bắt đầu với hành động. Nói đã đủ nhiều, đến lúc phải làm, làm nhiều hơn. Ở đất nước chúng ta, vinh quang thuộc về những con người hành động, công khai hay thầm lặng, ngày mỗi ngày bền bỉ làm cho thể chế n...

Ngổn ngang Công lý – Phần 1: Từ Yorktown tới Washington

  Phạm Duy Nghĩa 1.     Những dòng này dành cho ai: Bất công xảy ra khắp nơi, công lý thì khó khăn lắm mới đạt được. Mỗi ngày, nếu góp thêm tử tế, công bằng, và bớt dần bất công, thì thật quý. Công lý được giữ cho ngay ngắn, từng chút một, chung tay bởi tất cả mọi người. Đặng Hoàng Giang viết một cuốn sách có tựa đề “”Bức xúc không làm ta vô can””, quả là thế, bất công xảy ra do chúng ta né tránh, cam chịu, hoặc đồng lõa. Cùng góp sức chúng ta mới tạo ra và duy trì được lẽ công bằng ở đời. Những dòng này vì thế dành cho những ai muốn sống chậm một chút, dừng lại, đứng nhìn, quan sát, và tìm hiểu: Vì sao bất công đã xảy ra, và Vì sao công lý vẫn là một giấc mơ xa vời với rất nhiều dân tộc, trong đó có chúng ta. Thời đại này mạng xã hội, dữ liệu, tin tức, trí tuệ nhân tạo… đang thổi bay con người, đặt câu hỏi đúng đã là một nửa thành công. 2.     Cấu trúc của phần viết: Phần viết này được cấu trúc hồn nhiên như những mảng kiến thức vụn vặt mà tôi lượ...

Học và Dạy Luật Đất đai trong các trường luật ở Việt Nam

Tặng các bạn học và dạy Luật Đất đai 1.       Dẫn đề : Nước ta đã có gần 100 cơ sở đào tạo luật (để thuận tiện, sau đây gọi chung là các trường luật). Ở bậc cử nhân, các trường luật thường giảng dạy Môn học Luật Đất đai. Nội dung giảng dạy môn học này ở các trường khá giống nhau, bám sát cấu trúc của Luật Đất đai, thường bắt đầu từ Chế độ sở hữu, Các loại đất, Quyền & Nghĩa vụ của Người sử dụng đất, cho tới Hành chính đất đai và Giải quyết tranh chấp đất đai. Trong bối cảnh Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực, nội dung đồ sộ của đạo luật này cần được nghiên cứu & giảng dạy như thế nào cho hiệu quả. Trong khuôn khổ Hội thảo tại một trường luật như Khoa Luật ĐH Mở TPHCM, sẽ là hữu ích, nếu có thể góp phần tìm hiểu đạo luật mới này, song đồng thời cũng tìm cách đổi mới cách nghiên cứu, giảng dạy pháp luật đất đai, giúp cho môn học này hấp dẫn, thiết thực hơn với người học. Phần thảo luận dưới đây góp phần vào 2 nội dung nêu trên. 2.    ...