LUẬT PHÁP VÀ NGƯỜI DÂN QUÊ
Phạm Duy Nghĩa
Gió lồng lộng từ cánh đồng thổi vào phòng ông cán bộ tư pháp. Vài cuốn sách luật, bộ bàn trà sạch bóng, sau cánh tủ thấp thoáng một cái giường đơn. Luật của ta vừa thiếu vừa yếu, không đồng bộ lại kém hiệu quả, ngoài những thành công không thể kể xiết, người ta vẫn thường tự chê mình như thế. Rời những căn phòng mát lạnh điều hoà nơi luật pháp thường được soạn và thông qua, chúng tôi đến với nông dân, đau đáu một nỗi niềm liệu họ có cần đến luật, và thứ luật pháp mà họ nếu cần sẽ phải ra sao.
Câu hỏi mới thật ngây ngô, nhà nước nào mà chẳng có luật. Người am hiểu chữ nghĩa tự vấn thêm luật ấy được viết cho ai, chúng có ích gì cho giới bình dân. Chắc rằng luật pháp không chỉ giúp người có của thêm kín cổng cao tường; sản hữu của những ông chủ khu công nghiệp thời nay vẫn được vây kín bởi những hàng rào in đậm trên nền xanh đồng lúa. Thưa ông nông dân mong manh áo vải bơm thuốc trừ sâu, ông cần đến những thứ luật gì và ai sẽ giúp ông dùng luật ấy mà thoát dần cảnh khổ.
Những bộ luật từ thuở nào làm rường cột cho đại sự quốc gia, nhưng với nông dân họ thường chỉ biết luật pháp qua khuôn mặt anh công an viên, chị cán bộ tư pháp, trưởng thôn, đội trưởng, hy hữu mới có việc tìm đến hoà giải viên. Trong một xã hội trọng tình, cả huyện chưa có lấy một luật sư; toà án, viện kiểm sát nằm ở đâu đó nơi huyện lỵ, gần với uỷ ban, đảng uỷ và công an huyện.
Làm cho người dân khi lo lắng sẽ an tâm hơn vì được pháp luật bảo vệ, giản dị thế, song đấy chính là dấu hiệu đầu tiên của một xã hội có công lý. Khi bị trộm cắp, hành hung, người bị hại mong có công an bảo vệ; chịu thiệt thòi người dân cần tới những nơi phán xử công bằng. Luật pháp đối với dân nghèo chính là mong ước có được chỗ dựa cho vô vàn ưu phiền hàng ngày, chỗ dựa càng vững thì niềm tin vào pháp luật càng tăng.
Sau bao nhiêu năm tìm lại với quê nhà, tôi mới hiểu luật pháp không chỉ là ban bố từ trên xuống cho dân biết để thi hành. Nếu như thế, luật chẳng khác mệnh lệnh là mấy. Luật pháp, nếu muốn còn là lẽ phải, thì phải tạo cơ hội cho người dân tiệm cận dần đến công lý. Từ hộ khẩu, tạm trú tạm vắng, sổ đỏ cho nhà đất, giấy phép sửa nhà cho tới tấm hộ chiếu đi thăm đứa con ở nước ngoài, trong mớ bòng bong pháp luật ấy hết thảy còn đều in đậm hình bóng ông quan với những quyền uy. Những mong một ngày kia hình bóng người dân sẽ lớn dần trong tinh thần luật pháp.
Chiều thu lãng đãng, gió cuốn theo ô-xít đồng, nước sông chở nặng bọt hoá chất từ các khu công nghiệp xuôi về những miền quê. Kìa đóng tàu, này bột ngọt, luật pháp ở đâu để các ông chủ tư bản ngang nhiên bức hoại môi trường sống của những người dân vô tội. Thoát đói rét, vẫy vùng thoát túng, người dân quê nay bần thần trước những đổi thay quá đỗi nhanh chóng của môi trường sống xung quanh. Tâm có tĩnh thân thể mới khoẻ mạnh, luật pháp có bao giờ ngó tới cuộc sống tinh thần của hàng vạn, hàng triệu lao động di trú trong một đất nước đang chuyển hoá rất nhanh.Rời miền quê, chúng tôi hoà trong những dòng xe bất tận như đàn cá bơi về nơi đô hội. Dù còi to còi nhỏ, dù tạt ngang rẽ dọc, cứ đồng tốc với hỗn độn đủ loại phương tiện, bạn sẽ trôi đến nơi cần tới ở đất nước này. Lại thêm một điều đáng học, xã hội của chúng ta vẫn được điều hành bằng cách nhìn trước, trông sau và nghe ngóng xung quanh. Luật pháp, tựa như luật giao thông, hình như có những giới hạn của nó trong một xã hội với hàng triệu người dân quê đang tiến lên thành thị./.
Phạm Duy Nghĩa
Gió lồng lộng từ cánh đồng thổi vào phòng ông cán bộ tư pháp. Vài cuốn sách luật, bộ bàn trà sạch bóng, sau cánh tủ thấp thoáng một cái giường đơn. Luật của ta vừa thiếu vừa yếu, không đồng bộ lại kém hiệu quả, ngoài những thành công không thể kể xiết, người ta vẫn thường tự chê mình như thế. Rời những căn phòng mát lạnh điều hoà nơi luật pháp thường được soạn và thông qua, chúng tôi đến với nông dân, đau đáu một nỗi niềm liệu họ có cần đến luật, và thứ luật pháp mà họ nếu cần sẽ phải ra sao.
Câu hỏi mới thật ngây ngô, nhà nước nào mà chẳng có luật. Người am hiểu chữ nghĩa tự vấn thêm luật ấy được viết cho ai, chúng có ích gì cho giới bình dân. Chắc rằng luật pháp không chỉ giúp người có của thêm kín cổng cao tường; sản hữu của những ông chủ khu công nghiệp thời nay vẫn được vây kín bởi những hàng rào in đậm trên nền xanh đồng lúa. Thưa ông nông dân mong manh áo vải bơm thuốc trừ sâu, ông cần đến những thứ luật gì và ai sẽ giúp ông dùng luật ấy mà thoát dần cảnh khổ.
Những bộ luật từ thuở nào làm rường cột cho đại sự quốc gia, nhưng với nông dân họ thường chỉ biết luật pháp qua khuôn mặt anh công an viên, chị cán bộ tư pháp, trưởng thôn, đội trưởng, hy hữu mới có việc tìm đến hoà giải viên. Trong một xã hội trọng tình, cả huyện chưa có lấy một luật sư; toà án, viện kiểm sát nằm ở đâu đó nơi huyện lỵ, gần với uỷ ban, đảng uỷ và công an huyện.
Làm cho người dân khi lo lắng sẽ an tâm hơn vì được pháp luật bảo vệ, giản dị thế, song đấy chính là dấu hiệu đầu tiên của một xã hội có công lý. Khi bị trộm cắp, hành hung, người bị hại mong có công an bảo vệ; chịu thiệt thòi người dân cần tới những nơi phán xử công bằng. Luật pháp đối với dân nghèo chính là mong ước có được chỗ dựa cho vô vàn ưu phiền hàng ngày, chỗ dựa càng vững thì niềm tin vào pháp luật càng tăng.
Sau bao nhiêu năm tìm lại với quê nhà, tôi mới hiểu luật pháp không chỉ là ban bố từ trên xuống cho dân biết để thi hành. Nếu như thế, luật chẳng khác mệnh lệnh là mấy. Luật pháp, nếu muốn còn là lẽ phải, thì phải tạo cơ hội cho người dân tiệm cận dần đến công lý. Từ hộ khẩu, tạm trú tạm vắng, sổ đỏ cho nhà đất, giấy phép sửa nhà cho tới tấm hộ chiếu đi thăm đứa con ở nước ngoài, trong mớ bòng bong pháp luật ấy hết thảy còn đều in đậm hình bóng ông quan với những quyền uy. Những mong một ngày kia hình bóng người dân sẽ lớn dần trong tinh thần luật pháp.
Chiều thu lãng đãng, gió cuốn theo ô-xít đồng, nước sông chở nặng bọt hoá chất từ các khu công nghiệp xuôi về những miền quê. Kìa đóng tàu, này bột ngọt, luật pháp ở đâu để các ông chủ tư bản ngang nhiên bức hoại môi trường sống của những người dân vô tội. Thoát đói rét, vẫy vùng thoát túng, người dân quê nay bần thần trước những đổi thay quá đỗi nhanh chóng của môi trường sống xung quanh. Tâm có tĩnh thân thể mới khoẻ mạnh, luật pháp có bao giờ ngó tới cuộc sống tinh thần của hàng vạn, hàng triệu lao động di trú trong một đất nước đang chuyển hoá rất nhanh.Rời miền quê, chúng tôi hoà trong những dòng xe bất tận như đàn cá bơi về nơi đô hội. Dù còi to còi nhỏ, dù tạt ngang rẽ dọc, cứ đồng tốc với hỗn độn đủ loại phương tiện, bạn sẽ trôi đến nơi cần tới ở đất nước này. Lại thêm một điều đáng học, xã hội của chúng ta vẫn được điều hành bằng cách nhìn trước, trông sau và nghe ngóng xung quanh. Luật pháp, tựa như luật giao thông, hình như có những giới hạn của nó trong một xã hội với hàng triệu người dân quê đang tiến lên thành thị./.
Comments