Skip to main content

Mong manh nhu dai lua dao

MONG MANH NHƯ DẢI LỤA ĐÀO

Phạm Duy Nghĩa

(Lượm các mảnh vụn bài bị các chủ bút cắt bỏ, vuốt ve cho phẳng phiu rồi giữ lại, có khi cũng là việc thật đáng làm).

Gần 500 đại biểu Quốc hội lại tề tựu dự một kỳ họp kéo dài cả tháng trời. Những lớp tôn xanh vây lấy nơi đã là một phần trái tim Đại Việt, tòa nhà Quốc hội cũ không còn nữa, từng đoàn xe lũ lượt hướng tới trụ sở Bộ Quốc Phòng. Ngoài những lễ nghi mọi thuở, hy vọng ở nơi đó sẽ được bàn tới chuyện tiền mất giá và cuộc mưu sinh của những người nghèo. An tọa trong chiếc ghế nhung đỏ, đại biểu có thể giúp gì để tiếng dân nghèo vang vọng tới những thềm cao quyền lực.
Không giống giới chức hành chính có cả bộ máy thuộc cấp ra sức chấp hành, không giống giới kinh doanh dư thừa của cải, đại biểu Quốc hội là chính khách với những lập luận của mình. Mong manh như dải lụa đào, nhưng nếu lời họ đồng điệu với dân tâm thì Quốc hội mau chóng trở thành quyền lực. Thu phục được lòng người, đại biểu tạo nên đồng thuận; quyền lực của họ là những lá phiếu. Chính phủ dù mạnh mẽ, song các đề xuất nếu bị Quốc hội từ chối cũng chẳng thể có hiệu lực thực thi. Bởi vậy, nếu tìm đủ lý lẽ chỉ rõ tác động bất lợi cho số đông dân nghèo, nếu khéo léo đưa những lập luận ấy thành dư luận nghị trường, cùng với sự hậu thuẫn của giới báo chí có trách nhiệm và sức ép công chúng, từng lá phiếu mỏng manh ấy đủ sức tạo nên dông bão, góp phần phản biện và giám sát chính quyền.
Chỉ có điều, ngay cả với những đại biểu có tâm nhất, mong ước ấy cũng chẳng dễ dàng được thực hiện. Dày đặc nội dung với thảo luận hàng chục dự luật, nghe và thẩm bình đủ loại báo cáo, thẩm tra, chất vấn, lan từ điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cho tới vươn rộng thủ đô Hà Nội về hướng Hà Tây. Trong mỗi chủ đề ấy, giới hạn phát biểu mỗi lần không quá 10 phút, thật khó khăn cho các vị đại biểu của dân khi họ phải chọn cho thật trúng và đúng những ưu tư của dân chúng và thuyết phục Chính phủ hành xử mạnh mẽ hơn vì dân, nhất là vì dân nghèo.
Xa gia đình, hàng tháng trời nước lọ cơm niêu với những khoản thù lao ít ỏi tới mức tế nhị chẳng muốn kể ra, trong cái oi bức nắng tháng năm dội đến sát vách, dù cố gắng lắm, các vị đại biểu Quốc hội cũng không đủ trí lực và sức khỏe nghe và luận bàn có hiệu quả về hết thảy luật lệ hay chỉ tiêu, chỉ số tăng trưởng quốc gia. Đại đa số đại biểu là bán chuyên trách, thu nhập và tương lai nghề nghiệp của họ không hề gắn với Quốc hội; không hiếm khi phải trông trước ngó sau, đại biểu đôi khi cũng ngại va chạm, không muốn mất lòng lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành. Những điều đặc biệt ấy làm cho Quốc hội Việt Nam họp các phiên toàn thể tuy kéo dài vào loại bậc nhất trên thế giới, song hiệu quả giám sát công việc của Chính phủ chưa thật là cao.
Hội nhập với thế giới, những tưởng đừng quá tôn thờ khác biệt, chúng ta mơ mọi thiết chế xã hội được hoạt động bình thường như ở mọi nơi văn minh khác. Giàu, nghèo tùy cơ trời và năng lực cá nhân, song mọi người dân mong được bình đẳng về cơ hội, con cái phải được giáo dục, khi ốm đau cơ nhỡ có nơi nương tựa. Lợi ích khác nhau thì tác động của chính sách cũng khác nhau, nghị viện ở đâu chẳng là nơi để nói, để luận bàn và tìm kiếm đồng thuận giữa những giai tầng trong xã hội.
Muốn tranh luận phải có đủ lý lẽ, phải có nơi điều trần trao đi đổi lại. Muốn giám sát phải có công cụ, khuyến cáo không xong thì phải tạo áp lực mạnh hơn bằng bỏ phiếu tín nhiệm hoặc yêu cầu bãi nhiệm. Sức mạnh của Quốc hội thực ra ở các nghị sĩ độc lập, có đủ mọi sự bảo đảm cần thiết để tự do thể hiện lợi ích của cử tri đã bầu ra mình mà không sợ liên lụy cá nhân. Quốc hội hoạt động mạnh mẽ nhất thực ra diễn ra tại các ủy ban, ở nơi ấy hành pháp phải tranh biện với lý lẽ của các chuyên gia và nhóm lợi ích. Đằng sau các nghi lễ của những phiên họp toàn thể thường là tấp nập thoi đưa các thương thuyết và vận động hành lang.
Vì những lẽ ấy, dù chưa thể xuất hiện ngay những thay đổi lớn trong cung cách vận hành của Quốc hội kỳ này, song mong sao đánh giá tác động đối với người nghèo phải trở thành một chỉ số tham chiếu bắt buộc khi các đại biểu của dân thảo luận và quyết định mọi chính sách quốc gia ./.

Comments

Popular posts from this blog

Nhàn đàm về thể chế

  1.            Dẫn nhập : Đầu năm 1845 khi phê bình triết gia Feuerbach, Karl Marx, lúc ấy còn khá trẻ, đã viết câu trên đây, câu sau này được dịch sang tiếng Anh và khắc trên mộ của ngài “ Die Philosophen haben die Welt nur verschieden  interpretirt , es kömmt drauf an sie zu  verändern - các triết gia chỉ tìm cách giải thích thế giới khác nhau, cái chính là phải tìm cách thay đổi thế giới ấy”. Gần 180 năm sau, Acemoglu & đồng sự, nhận được giải Nobel năm 2024, vì những đóng góp giải thích các nền văn minh thịnh hay suy tàn là do thể chế. Điều ấy đúng, hoặc đúng một phần. Nhân dịp này, cựu học viên Fulbright mời chúng tôi mạn đàm về thể chế. “Kỷ nguyên vươn mình”, nếu các bạn thích dùng chữ ấy, mong sẽ là tỉnh thức, bắt đầu với hành động. Nói đã đủ nhiều, đến lúc phải làm, làm nhiều hơn. Ở đất nước chúng ta, vinh quang thuộc về những con người hành động, công khai hay thầm lặng, ngày mỗi ngày bền bỉ làm cho thể chế n...

Ngổn ngang Công lý – Phần 1: Từ Yorktown tới Washington

  Phạm Duy Nghĩa 1.     Những dòng này dành cho ai: Bất công xảy ra khắp nơi, công lý thì khó khăn lắm mới đạt được. Mỗi ngày, nếu góp thêm tử tế, công bằng, và bớt dần bất công, thì thật quý. Công lý được giữ cho ngay ngắn, từng chút một, chung tay bởi tất cả mọi người. Đặng Hoàng Giang viết một cuốn sách có tựa đề “”Bức xúc không làm ta vô can””, quả là thế, bất công xảy ra do chúng ta né tránh, cam chịu, hoặc đồng lõa. Cùng góp sức chúng ta mới tạo ra và duy trì được lẽ công bằng ở đời. Những dòng này vì thế dành cho những ai muốn sống chậm một chút, dừng lại, đứng nhìn, quan sát, và tìm hiểu: Vì sao bất công đã xảy ra, và Vì sao công lý vẫn là một giấc mơ xa vời với rất nhiều dân tộc, trong đó có chúng ta. Thời đại này mạng xã hội, dữ liệu, tin tức, trí tuệ nhân tạo… đang thổi bay con người, đặt câu hỏi đúng đã là một nửa thành công. 2.     Cấu trúc của phần viết: Phần viết này được cấu trúc hồn nhiên như những mảng kiến thức vụn vặt mà tôi lượ...

Bên thứ ba trong Thủ tục trọng tài: Một góc nhìn từ thực tiễn thực thi pháp luật

Đề dẫn : Theo Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, vào thời điểm hiện nay nước ta đã có 48 tổ chức trọng tài được thành lập, với hơn 600 trọng tài viên, mỗi năm tham gia giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp thương mại [1] . Một dịch vụ trọng tài đã hình thành. Càng phát triển, những đặc thù của dịch vụ này càng lộ rõ hơn, trong đó có việc xử lý lợi ích của bên thứ ba. Rất khác với tố tụng toà án, về nguyên tắc, trọng tài là thủ tục không công khai, sự tham gia của bên thứ ba là ngoại lệ. Không thể học theo quy định của Tố tụng dân sự để đưa bên thứ ba vào Tố tụng trọng tài. Bài viết dưới đây thảo luận về việc xem xét và đảm bảo lợi ích của Bên thứ ba trong Thủ tục trọng tài. Sau khi minh họa một số tình huống trong đó các bên tranh chấp hoặc Hội đồng trọng tài có thể cần lưu ý tới lợi ích của Bên thứ ba. Mục tiêu của Tố tụng trọng tài là góp phần giải quyết các tranh chấp một cách công bằng, thúc đẩy các bên tự thực thi nghĩa vụ, tránh làm lan rộng thêm kiện tụng. Từ những cân nhắc đó, bài v...