Skip to main content

Giao luu tri thuc Viet

TRI THỨC: CHÚT NGỄNH NGÃNG ĐÓN XUÂN

Phạm Duy Nghĩa

Cuối năm nay tôi bị một trận ốm ra trò, người lúc nóng lúc lạnh tựa giá cả lên xuống ngoài ngõ. Bài dưới đây ghi lại những suy nghĩ lan man về giao lưu tri thức người Việt sống rải rác khắp năm châu, mà tôi nghĩ, cùng với những dòng vốn đầu tư, hàng hóa và giao lưu văn hóa khác.. sẽ róc rách hòa chảy tới đất nước này.


Cứ 8 người sống trong nước thì 3 người ở nước ngoài, tri thức của người Việt Nam bởi thế được lưu giữ một phần ở trong nước, và một phần đáng kể tản mạn khắp hải ngoại. Tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn những giá đầy ắp sách cổ và tư liệu quý về Việt Nam ở tầng hầm thư viện Harvard Jenching, ở thư viện Max Planck Hamburg-(Thư viện Hoàng gia Phổ trước kia), ấy là chưa kể đầy ắp những lưu trữ về Việt Nam ở Pháp, Trung Quốc, Hà Lan và vô số những nơi không ngờ khác. Vấn đề lớn hiện nay là khơi thông những dòng trí thức Việt ấy, để cho một niềm đau xa xứ của cũng mau nhận được sự đồng cảm quê nhà. Với tri thức Tây, Tàu sự hội nhập nhập dường như còn dễ dàng hơn cả sự giao lưu giữa những luồng tri thức khác nhau của chính người Việt.
Để thúc đẩy hòa giải dân tộc về tri thức, chắc rằng các gia đình, công ty sẽ liên kết trao đổi sách, tin tức, lập nên các thư viện liên gia đình. Cả một xã hội dân sự khổng lồ chia sẻ trí tuệ sẽ nhanh và mạnh hơn chờ đợi ở Nhà nước.

Gom lượm tri thức đã là khó, từ giới có học tạo thành một lớp trí thức có năng lực khám phá, có đầu óc phản biện, có dũng khí đứng vững như cây thông trong gió rét “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” lại càng khó hơn. Nho giáo suy tàn, nền Tây học chưa yên ổn định vị, lại một cuộc phổ biến tràn lan nền tư duy Xô-viết, chiến tranh và đói nghèo.. những điều ấy càng làm khó cho một lớp trí thức có bản lĩnh được hình thành. Thời chiến quyền được nói thuộc về người có súng, thời kinh doanh quyền ấy có vẻ như bị thao túng bởi thương nhân. Đang từng bước hình thành, giới trí thức Việt Nam chắc còn rất lâu mới có thể có những ảnh hưởng đáng kể hơn trong phân tích, phản biện hay xây dựng chính sách ở nước ta.

Trong các nghề liên quan đến tri thức, nghề sử học xưa có vẻ để lại nhiều tiếng thơm, việc ấy chắc là có nhiễu lẽ. Có vẻ như thời nay hình ảnh nhà sử học không còn được cao trong tâm trí người dân như một thủa. Biết mà không dám nói, nói mà không dám nói hết, thậm chí chẳng dám nghĩ chệch đám đông, nếu giới hạn nhãn quan, những điều nhà sử học nói ra chưa phản ánh đầy đủ sự thật. Những phong trào ồn ã trên báo chí vài năm qua như “Hoa lửa Quảng Trị”, “Bay lên Việt Nam”, “Sự kì diệu của Thánh Gióng”… là minh chứng cho những cách nhìn lịch sử một chiều ấy. Lịch sử nghĩa là cuốn biên niên chép lại sự phát tích hưng thịnh, kể cả lúc lao đao của dân tộc trước hết phải trung thực. Từ những sự kiện trung thực đó, những người hay chữ thỏa chí bình luận, song không nên xem phần bình luận cá nhân đó là sử. Vì khí hậu ẩm uớt, hơn nữa thói quen của Việt tộc cũng không đề cao sự chính xác chi ly kiểu như người Đức lo gom nhặt từng mẩu kỷ vật gia đình, sách vở chép bằng tay theo năm tháng cũng mục nát, các di tích bị bỏ hoang phế tan dần với thời gian. Trong trí nhớ của dân tộc, lịch sử có khi như tiềm thức, có khi như huyền sử âm vang trong tâm hồn những người con gốc Việt. Lịch sử của người Việt vì vậy đôi khi lãng đãng với những điều tỉnh rõ và mơ hồ. Chỉ có điều, nếu không thông tỏ lịch sử thì khó hiểu được dân tộc hành động như thế nào; nguy cơ vấp lại những vết xe đổ cũ là rất lớn.

Trong nhiều vệt trống chưa rõ về lịch sử, có nhiều điều người ta khó có thể dám bàn tới, bởi quá khứ đôi khi cũng rất cay đắng và đầy những bất ngờ. Nó tựa những vết thương mà việc nhắc lại chưa chắc đã làm cho người ta khỏe thêm. Chắc rằng tự vấn là cần thiết, song soi kỹ lại quá khứ để hướng tới những điều tốt đẹp, làm khởi phát những sức mạnh vươn lên của Việt tộc, chứ không nên quá thiên về bới móc, kích bác chia rẽ, càng không nên làm phán quan… vì cuộc đời này kỳ lạ lắm, hiểu biết của chúng ta có đáng là bao.

Cuối cùng, xin lạm bàn về cách dạy sử. Tri thức thấm vào tâm hồn đứa trẻ qua cảm xúc của nó. Ta bắn rơi 10 máy bay, tiêu diệt 100 tên địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1000 tên.. những thông tin vô hồn kiểu ấy làm khô héo cảm xúc trẻ nhỏ. Quê tôi ở Nam Định, nơi ấy đầy ắp huyền sử về trấn Sơn Nam Hạ xưa với những Khổng Minh Không, Đền Trần, khởi nghĩa Ba Vành, nơi ấy có tổng trấn thành Nam phải rút kiếm chém nát cả góc bàn mới mong giữ được trật tự của đám quan run lên như cầy sấy khi đại bác của thực dân nã vào thành… Tôi sẽ yêu quê ấy hơn nếu có cơ hội tự tìm hiểu những nhân vật, những sự kiện mà mình yêu thích. Trẻ nhỏ sẽ hào hứng và tự khám phá những dấu tích lịch sử nơi chúng sống, và biết đâu một ngày kia chúng sẽ khám phá ra nhiều điều bất ngờ hơn nữa trong lịch sử gia đình riêng của chúng và của quê hương, tổ quốc. Hãy bảo vệ sự tự do khám phá của con em chúng ta, để cho cảm nhận được lịch sử hơn là chỉ thuộc lòng các dữ kiện trong các cuốn giáo khoa đầy ắp những con số và nhận định cá nhân./.

Popular posts from this blog

Nhàn đàm về thể chế

  1.            Dẫn nhập : Đầu năm 1845 khi phê bình triết gia Feuerbach, Karl Marx, lúc ấy còn khá trẻ, đã viết câu trên đây, câu sau này được dịch sang tiếng Anh và khắc trên mộ của ngài “ Die Philosophen haben die Welt nur verschieden  interpretirt , es kömmt drauf an sie zu  verändern - các triết gia chỉ tìm cách giải thích thế giới khác nhau, cái chính là phải tìm cách thay đổi thế giới ấy”. Gần 180 năm sau, Acemoglu & đồng sự, nhận được giải Nobel năm 2024, vì những đóng góp giải thích các nền văn minh thịnh hay suy tàn là do thể chế. Điều ấy đúng, hoặc đúng một phần. Nhân dịp này, cựu học viên Fulbright mời chúng tôi mạn đàm về thể chế. “Kỷ nguyên vươn mình”, nếu các bạn thích dùng chữ ấy, mong sẽ là tỉnh thức, bắt đầu với hành động. Nói đã đủ nhiều, đến lúc phải làm, làm nhiều hơn. Ở đất nước chúng ta, vinh quang thuộc về những con người hành động, công khai hay thầm lặng, ngày mỗi ngày bền bỉ làm cho thể chế n...

Ngổn ngang Công lý – Phần 1: Từ Yorktown tới Washington

  Phạm Duy Nghĩa 1.     Những dòng này dành cho ai: Bất công xảy ra khắp nơi, công lý thì khó khăn lắm mới đạt được. Mỗi ngày, nếu góp thêm tử tế, công bằng, và bớt dần bất công, thì thật quý. Công lý được giữ cho ngay ngắn, từng chút một, chung tay bởi tất cả mọi người. Đặng Hoàng Giang viết một cuốn sách có tựa đề “”Bức xúc không làm ta vô can””, quả là thế, bất công xảy ra do chúng ta né tránh, cam chịu, hoặc đồng lõa. Cùng góp sức chúng ta mới tạo ra và duy trì được lẽ công bằng ở đời. Những dòng này vì thế dành cho những ai muốn sống chậm một chút, dừng lại, đứng nhìn, quan sát, và tìm hiểu: Vì sao bất công đã xảy ra, và Vì sao công lý vẫn là một giấc mơ xa vời với rất nhiều dân tộc, trong đó có chúng ta. Thời đại này mạng xã hội, dữ liệu, tin tức, trí tuệ nhân tạo… đang thổi bay con người, đặt câu hỏi đúng đã là một nửa thành công. 2.     Cấu trúc của phần viết: Phần viết này được cấu trúc hồn nhiên như những mảng kiến thức vụn vặt mà tôi lượ...

Học và Dạy Luật Đất đai trong các trường luật ở Việt Nam

Tặng các bạn học và dạy Luật Đất đai 1.       Dẫn đề : Nước ta đã có gần 100 cơ sở đào tạo luật (để thuận tiện, sau đây gọi chung là các trường luật). Ở bậc cử nhân, các trường luật thường giảng dạy Môn học Luật Đất đai. Nội dung giảng dạy môn học này ở các trường khá giống nhau, bám sát cấu trúc của Luật Đất đai, thường bắt đầu từ Chế độ sở hữu, Các loại đất, Quyền & Nghĩa vụ của Người sử dụng đất, cho tới Hành chính đất đai và Giải quyết tranh chấp đất đai. Trong bối cảnh Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực, nội dung đồ sộ của đạo luật này cần được nghiên cứu & giảng dạy như thế nào cho hiệu quả. Trong khuôn khổ Hội thảo tại một trường luật như Khoa Luật ĐH Mở TPHCM, sẽ là hữu ích, nếu có thể góp phần tìm hiểu đạo luật mới này, song đồng thời cũng tìm cách đổi mới cách nghiên cứu, giảng dạy pháp luật đất đai, giúp cho môn học này hấp dẫn, thiết thực hơn với người học. Phần thảo luận dưới đây góp phần vào 2 nội dung nêu trên. 2.    ...