SỞ HỮU ĐAN CHÉO VÀ NHỮNG CẢNH BÁO
Phạm Duy Nghĩa (Bài đã đăng trên Diễn đàn doanh nghiệp, 06/2007)
Hai thập niên sau những cuộc đổ vỡ của các quỹ tín dụng tự phát, cuộc chơi cổ phần lại tràn qua nước ta như một cơn bão. Lặng yên sau bao nhốn nháo của những miền Tây hoang dã.. đã sừng sững hiện lên nền móng của một thị trường vốn với những dáng dấp hiện đại. Hải khoát, thiên không, ấy cũng chính là lúc cần nhìn lại và gia cố thêm cho các thiết chế cần thiết để đón những đợt sóng mới, có thể mãnh mẽ và dữ tợn hơn, của thị trường tài chính.
Tĩnh lặng sau những xôn xao của từng đàn cá bơi trên mặt nước, lồ lộ hiện lên các cổ đông thiết chế to lớn mua bán cổ phần đan chéo giữa các công ty. Điều ấy đúng cho các công ty tư nhân huy động thêm vốn điều lệ- phần cũng muốn dùng tiền ấy để chơi chứng khoán; và cũng đúng cho các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn quốc doanh lớn rốt ráo tìm kiếm các liên minh chiến lược và dàn xếp các cuộc mua cổ phần. Đằng sau những cái bắt tay ấy, có thể cần phải cảnh báo điều gì từ những sở hữu cổ phần đan chéo ngày càng rắm rối giữa các công ty tư nhân cũng như quốc hữu.
Inter-linked, cross-holding hay sở hữu cổ phần đan chéo là một hiện tượng kinh tế rất phổ biến không chỉ ở Châu Á. Những mối quan hệ tin cậy, sự sẻ chia thông tin, phân chia công việc và phối hợp hành động.. thời nào cũng cần cho người kinh doanh; cuộc đua càng gay gắt thì một người một ngựa khó có thể làm nên trò trống đáng kể. Sở hữu đan chéo cổ phần bởi thế là một chiến lược cạnh tranh rất tất yếu, giúp ổn định nguồn cung nguyên liệu, vốn, công nghệ hay dịch vụ, giúp duy trì hệ thống tiêu thụ và chia sẻ thông tin quản trị. Liên minh vì thế làm cho các đối tác có thể dựa vào nhau để dự báo và chống chọi với biến đổi của thị trường, chống thôn tính và duy trì đội ngũ những người quản trị tương đối ổn định.
Khởi nguồn từ các công ty gia đình, lan rộng từ thương mại, tới sản xuất, dịch vụ và ngân hàng, các công ty ở Châu Á một thời gian dài bị thao túng bởi các (nhóm) cổ đông lớn, thường là những người sáng lập công ty. Điều này đúng với người Nhật, người Hàn, người Đài Loan và Trung Hoa ngày nay, kể cả khi các zaibatsu tan rã và được thay thế bởi các công ty độc lập với sở hữu ngày càng phân tán rộng rãi theo mô hình của người Mỹ, người Anh. Đó chính là mầm mống của các nhóm công ty và tập đoàn hiện đại. Nếu theo những con đường cũ ấy, các tổng công ty quốc doanh ở Việt Nam sẽ dần phân rã và được thay thế bởi các nhóm công ty liên kết thông qua đầu tư cổ phiếu đan chéo. Đứng đằng sau những cuộc dàn xếp đó là những nhóm cổ đông lớn chi phối và giữ quyền điều hành công ty.
Chỉ có điều khi tầng lớp trung lưu tăng dần với các cuộc săn lùng cơ hội đầu tư, cơ cấu cổ đông và quản trị trong các công ty đại chúng mới bắt đầu cuộc ly tán. Xa dần chế độ tuyển dụng suốt đời và từng bước đẩy lùi việc bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt trong công ty theo thâm niên, người Nhật bắt đầu phê phán sở hữu đan chéo từ những năm 80 của thế kỷ trước. Nếu lượng vốn hoá là 100%, sở hữu đan chéo giữa các công ty đại chúng ở Nhật ước tính đã giảm dần từ khoảng 18% trong những năm 80-90 của thế kỷ trước, xuống còn 7% trong năm 2006. Người ta hối thúc Chính phủ ban hành các chính sách cản trở, giới hạn hoặc cấm sở hữu đan chéo tuỳ theo những ngành và dịch vụ nhất định.
Ở một cấp độ khác, trong những thị trường vốn mạnh mẽ và phát tán rộng rãi như ở Mỹ và Anh, người ta khá hoài nghi với sở hữu đan chéo. Nhiều dự báo cho thấy sở hữu đan chéo có thể có ích lợi nhiều hơn cho người quản trị công ty, làm cho công ty dễ bị lèo lái bởi người quản trị, song rất khó giám sát bởi công chúng và các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Sức ép giám sát giảm có thể làm hiệu quả kinh tế tổng thể của các công ty, lợi ích của các nhà đầu tư có thể không được bảo đảm. Vì lẽ ấy, người ta tăng giám sát sở hữu đan chéo và đe doạ ngay lập tức áp dụng các hình phạt hà khắc để trừng trị người quản trị công ty lợi dụng sở hữu đan chéo để bóc lột công ty và bóc lột cổ đông thiểu số. Đọc đạo luật Sarbanes Oxley ban hành năm 2002 ngay sau thảm hoạ Enron, người ta có thể thấy rõ những điều này.Từ những quan sát ấy, dường như cần cảnh báo hiện tượng sở hữu đan chéo cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước, từ một góc nhìn nhất định, có thể hạn chế hoặc làm triệt tiêu dần cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và tạo cơ hội cho người quản trị thao túng nội bộ công ty. Việc cấm hoặc cản trở chúng trong một số ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh bằng biện pháp hành chính có thể là một liệu pháp can thiệp, song theo thiển nghĩ của tôi rất khó thực thi hoặc chi phí thực thi sẽ cao một cách bất hợp lý. Khả thi hơn, nên chung sống với hiện tượng tất yếu đó và dự liệu các thiết chế cảnh báo, ví dụ sự cảnh báo từ giám sát báo chí, từ nghĩa vụ minh bạch thông tin, từ xây dựng hệ thống kiểm toán độc lập. Tăng quyền cho cổ đông nhỏ, tạo cho họ cơ hội giám sát quản trị công ty có thể là một cách hạn chế sở hữu cổ phần đan chéo hiệu quả hơn./.
Phạm Duy Nghĩa (Bài đã đăng trên Diễn đàn doanh nghiệp, 06/2007)
Hai thập niên sau những cuộc đổ vỡ của các quỹ tín dụng tự phát, cuộc chơi cổ phần lại tràn qua nước ta như một cơn bão. Lặng yên sau bao nhốn nháo của những miền Tây hoang dã.. đã sừng sững hiện lên nền móng của một thị trường vốn với những dáng dấp hiện đại. Hải khoát, thiên không, ấy cũng chính là lúc cần nhìn lại và gia cố thêm cho các thiết chế cần thiết để đón những đợt sóng mới, có thể mãnh mẽ và dữ tợn hơn, của thị trường tài chính.
Tĩnh lặng sau những xôn xao của từng đàn cá bơi trên mặt nước, lồ lộ hiện lên các cổ đông thiết chế to lớn mua bán cổ phần đan chéo giữa các công ty. Điều ấy đúng cho các công ty tư nhân huy động thêm vốn điều lệ- phần cũng muốn dùng tiền ấy để chơi chứng khoán; và cũng đúng cho các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn quốc doanh lớn rốt ráo tìm kiếm các liên minh chiến lược và dàn xếp các cuộc mua cổ phần. Đằng sau những cái bắt tay ấy, có thể cần phải cảnh báo điều gì từ những sở hữu cổ phần đan chéo ngày càng rắm rối giữa các công ty tư nhân cũng như quốc hữu.
Inter-linked, cross-holding hay sở hữu cổ phần đan chéo là một hiện tượng kinh tế rất phổ biến không chỉ ở Châu Á. Những mối quan hệ tin cậy, sự sẻ chia thông tin, phân chia công việc và phối hợp hành động.. thời nào cũng cần cho người kinh doanh; cuộc đua càng gay gắt thì một người một ngựa khó có thể làm nên trò trống đáng kể. Sở hữu đan chéo cổ phần bởi thế là một chiến lược cạnh tranh rất tất yếu, giúp ổn định nguồn cung nguyên liệu, vốn, công nghệ hay dịch vụ, giúp duy trì hệ thống tiêu thụ và chia sẻ thông tin quản trị. Liên minh vì thế làm cho các đối tác có thể dựa vào nhau để dự báo và chống chọi với biến đổi của thị trường, chống thôn tính và duy trì đội ngũ những người quản trị tương đối ổn định.
Khởi nguồn từ các công ty gia đình, lan rộng từ thương mại, tới sản xuất, dịch vụ và ngân hàng, các công ty ở Châu Á một thời gian dài bị thao túng bởi các (nhóm) cổ đông lớn, thường là những người sáng lập công ty. Điều này đúng với người Nhật, người Hàn, người Đài Loan và Trung Hoa ngày nay, kể cả khi các zaibatsu tan rã và được thay thế bởi các công ty độc lập với sở hữu ngày càng phân tán rộng rãi theo mô hình của người Mỹ, người Anh. Đó chính là mầm mống của các nhóm công ty và tập đoàn hiện đại. Nếu theo những con đường cũ ấy, các tổng công ty quốc doanh ở Việt Nam sẽ dần phân rã và được thay thế bởi các nhóm công ty liên kết thông qua đầu tư cổ phiếu đan chéo. Đứng đằng sau những cuộc dàn xếp đó là những nhóm cổ đông lớn chi phối và giữ quyền điều hành công ty.
Chỉ có điều khi tầng lớp trung lưu tăng dần với các cuộc săn lùng cơ hội đầu tư, cơ cấu cổ đông và quản trị trong các công ty đại chúng mới bắt đầu cuộc ly tán. Xa dần chế độ tuyển dụng suốt đời và từng bước đẩy lùi việc bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt trong công ty theo thâm niên, người Nhật bắt đầu phê phán sở hữu đan chéo từ những năm 80 của thế kỷ trước. Nếu lượng vốn hoá là 100%, sở hữu đan chéo giữa các công ty đại chúng ở Nhật ước tính đã giảm dần từ khoảng 18% trong những năm 80-90 của thế kỷ trước, xuống còn 7% trong năm 2006. Người ta hối thúc Chính phủ ban hành các chính sách cản trở, giới hạn hoặc cấm sở hữu đan chéo tuỳ theo những ngành và dịch vụ nhất định.
Ở một cấp độ khác, trong những thị trường vốn mạnh mẽ và phát tán rộng rãi như ở Mỹ và Anh, người ta khá hoài nghi với sở hữu đan chéo. Nhiều dự báo cho thấy sở hữu đan chéo có thể có ích lợi nhiều hơn cho người quản trị công ty, làm cho công ty dễ bị lèo lái bởi người quản trị, song rất khó giám sát bởi công chúng và các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Sức ép giám sát giảm có thể làm hiệu quả kinh tế tổng thể của các công ty, lợi ích của các nhà đầu tư có thể không được bảo đảm. Vì lẽ ấy, người ta tăng giám sát sở hữu đan chéo và đe doạ ngay lập tức áp dụng các hình phạt hà khắc để trừng trị người quản trị công ty lợi dụng sở hữu đan chéo để bóc lột công ty và bóc lột cổ đông thiểu số. Đọc đạo luật Sarbanes Oxley ban hành năm 2002 ngay sau thảm hoạ Enron, người ta có thể thấy rõ những điều này.Từ những quan sát ấy, dường như cần cảnh báo hiện tượng sở hữu đan chéo cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước, từ một góc nhìn nhất định, có thể hạn chế hoặc làm triệt tiêu dần cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và tạo cơ hội cho người quản trị thao túng nội bộ công ty. Việc cấm hoặc cản trở chúng trong một số ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh bằng biện pháp hành chính có thể là một liệu pháp can thiệp, song theo thiển nghĩ của tôi rất khó thực thi hoặc chi phí thực thi sẽ cao một cách bất hợp lý. Khả thi hơn, nên chung sống với hiện tượng tất yếu đó và dự liệu các thiết chế cảnh báo, ví dụ sự cảnh báo từ giám sát báo chí, từ nghĩa vụ minh bạch thông tin, từ xây dựng hệ thống kiểm toán độc lập. Tăng quyền cho cổ đông nhỏ, tạo cho họ cơ hội giám sát quản trị công ty có thể là một cách hạn chế sở hữu cổ phần đan chéo hiệu quả hơn./.
Comments